Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động mong muốn được tổ chức đào tạo học viên trực tiếp để bảo đảm chất lượng lao động xuất khẩu cũng như hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người lao động
Sau khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) tuyên bố nới lỏng các biện pháp nhập cảnh nhằm thu hút lao động nước ngoài, số đông các doanh nghiệp (DN) dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ) rất phấn khởi. Ngay lập tức, các hoạt động đào tạo, thủ tục xin visa được kích hoạt trở lại để nhanh chóng đưa người lao động (NLĐ) ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn đang chờ các DN.
Nên cho phép đào tạo trực tiếp
Trong số gần 150 hồ sơ mà Chi nhánh TP HCM, Công ty TNHH đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PITSCO chuẩn bị nộp lên Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM thì có đến 90 hồ sơ xin cấp lại visa. Ông Trần Anh Quang Thanh, Giám đốc Chi nhánh PITSCO tại TP HCM, cho biết số lao động đã được cấp visa trước đó nhưng do dịch bệnh, phía Nhật Bản cấm nhập cảnh nên chưa thể xuất cảnh được. Vì thế, số học viên này đã quá hạn visa và việc cấp lại sẽ nhanh chóng theo quy định từ phía Nhật Bản. Theo ông Thanh, thời gian này công ty ưu tiên cho những học viên này để họ nhanh chóng bay trong năm nay, sớm ổn định công việc bởi họ đã chờ đợi quá lâu. “Cái khó hiện nay của chúng tôi là khâu đào tạo. Sau thời gian dài đào tạo trực tuyến, tuy có kết quả khả quan nhưng theo tôi nếu được đào tạo trực tiếp vẫn tốt hơn. Việc truyền dạy kiến thức, ngôn ngữ, văn hóa và cả kỹ năng nếu được mắt thấy tai nghe, có công cụ phụ họa sẽ hiệu quả hơn” – ông Thanh nói.
Với cơ sở vật chất đào tạo đầy đủ, ông Thanh cho biết nếu được đào tạo trực tiếp vẫn tuân thủ việc giãn cách, 5K theo đúng các biện pháp phòng chống dịch. Hiện nay, các học viên của PITSCO đa phần đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nên đủ điều kiện như NLĐ đi làm. Trong khi đó, các đơn lớn với nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động đòi hỏi có chất lượng đầu ra cao thì công tác đào tạo cần phải được chú trọng. Vì thế, nếu sớm được dạy và học trực tiếp, cơ hội để NLĐ ra nước ngoài làm việc với thu nhập tốt là rất lớn. Cùng quan điểm với ông Thanh, ông Trịnh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tokyo VNJ (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng 2 năm qua, toàn ngành XKLĐ đã hứng chịu nhiều khó khăn khiến rất nhiều DN đã “rời cuộc chơi”. Từ đầu tháng 10 đến nay, ông Vũ cùng các cộng sự của mình đã nỗ lực sắp xếp lại tất cả để chuẩn bị cho giai đoạn mới mà theo ông là rất thuận lợi bởi cung cầu trong lĩnh vực XKLĐ còn rất lớn. “Dịch bệnh đã lấy đi những gì mà các DN trong ngành gầy dựng bao năm nay nhưng đó là yếu tố khách quan. Với nỗ lực phòng chống dịch của Chính phủ, đồng thời tỉ lệ tiêm vắc-xin khá cao, thậm chí cao hơn nhiều nước, là cơ sở để chúng ta tự tin bước vào giai đoạn bình thường mới. Đối với hoạt động XKLĐ, chúng tôi mong Nhà nước quan tâm hơn để đáp ứng nhu cầu có việc làm chính đáng của NLĐ, tạo cầu nối ngoại giao lao động, việc làm với các nước, vùng lãnh thổ đang có quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam” – ông Vũ bày tỏ.
Được dạy và học trực tiếp là mong muốn của doanh nghiệp lẫn người lao động
Hỗ trợ tiêm vắc-xin
Để mở cửa việc dạy và học trực tiếp, vắc-xin vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, các điều kiện nhập cảnh được nhiều nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam cũng công bố có yếu tố vắc-xin. Chẳng hạn như Nhật Bản ghi rõ những ai đã chích 1 trong 3 loại vắc-xin đã được Chính phủ nước này phê duyệt gồm: Pfizer, Mordena, Astrazeneca thì chỉ cần cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày sau khi nhập cảnh. Các nước khác cũng có quy định tương tự. Vì thế, điều mà các DN XKLĐ mong muốn được hỗ trợ lúc này là tiêm đủ mũi vắc-xin cho học viên, NLĐ của mình.
Theo ông Vũ, tại TP HCM, học viên nào chưa tiêm vắc-xin khi quay lại thành phố đều được tiêm rất thuận lợi. Thành phố tạo mọi điều kiện để NLĐ quay lại làm việc và nguồn cung vắc-xin khá dồi dào nên NLĐ không quá lo lắng về điều kiện tiêm chủng. Tuy nhiên, ở các tỉnh, thành thì gặp nhiều khó khăn về vắc-xin. “Chúng tôi có chi nhánh ở tỉnh nên hiểu rõ về những khó khăn khi tiếp cận nguồn vắc-xin cho học viên. Nếu được hỗ trợ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì thuận lợi hơn cho DN và cả NLĐ để làm thủ tục cấp visa xuất cảnh” – ông Vũ nói.
Ông Vũ cho biết điều kiện về tiêm vắc-xin mà các nơi đưa ra được hiểu như sau: Với những người đã tiêm 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 bất kỳ đang được lưu hành tại Việt Nam nhưng không nằm trong danh mục mà các nơi tiếp nhận lao động thì cần phải tiêm mũi 2 để đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường khi nhập cảnh vào quốc gia, vùng lãnh thổ mình đến làm việc. Còn những ai chưa tiêm mũi 1 loại vắc-xin được nước, vùng lãnh thổ đến chấp thuận thì sẽ được tiêm mũi 2 ngay khi nhập cảnh. Đặc biệt, người chưa tiêm mũi vắc-xin nào nếu có xét nghiệm PCR âm tính trong thời gian cho phép vẫn được nhập cảnh và sẽ được nơi tiếp nhận tiêm vắc-xin theo quy định của nước, vùng lãnh thổ sở tại. Như vậy, nhiều người đang chuẩn bị sang Nhật Bản làm việc tỏ ra lo lắng khi đã tiêm vắc-xin không nằm 1 trong 3 loại được nước này quy định hoàn toàn yên tâm vì không gặp bất cứ trở ngại nào.
Đài Loan gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài
Cơ quan Lao động Đài Loan (Trung Quốc) vừa có thông báo quy định mới liên quan đến lao động nước ngoài chuyển chủ hoặc chuyển công việc để đối phó với tình hình khan hiếm nhân lực. Theo đó, trong thời gian từ ngày 29-10-2021 đến 30-6-2022, NLĐ nước ngoài nếu có giấy phép làm việc đã hết hiệu lực và không do lỗi của NLĐ thì có thể tự mình hoặc thông qua chủ sử dụng cũ đăng ký chuyển chủ hoặc chuyển công việc trong các trường hợp: thời hạn của giấy phép làm việc đã hết nhưng chủ sử dụng cũ chưa làm thủ tục gia hạn; thời hạn chuyển chủ đã hết nhưng chưa được chủ mới tiếp nhận.