Việc quy định chặt chẽ biểu phí sẽ giúp loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch, có yếu tố lừa đảo, gây tổn hại cho người lao động và cả thị trường xuất khẩu lao động
Một trong nhiều nội dung quan trọng của dự thảo thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng và lấy ý kiến nhằm hoàn thiện. Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tức xuất khẩu lao động – XKLĐ).
Chi tiết từng thị trường
Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đưa hàng chục ngàn lao động ra nhiều nước làm việc, hiện là quốc gia cung cấp lao động cho nhiều nước khác nhau trên thế giới nhưng chủ yếu tập trung tại Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu. Vì thế, dự thảo lần này muốn đẩy mạnh nhiều biện pháp để minh bạch thị trường, hướng lợi ích tốt nhất đến NLĐ.
Người lao động vẫn tích cực học tập chờ ngày được xuất cảnh
Theo dự thảo, tiền dịch vụ là khoản thu của DN dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và từ NLĐ để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý NLĐ trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Mức trần tiền dịch vụ thu từ NLĐ sang thị trường Nhật Bản được dự thảo quy định không thu đối với thực tập sinh kỹ năng 3 năm và lao động kỹ năng đặc định. Đối với lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định thì thu 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng. Đối với thị trường Đài Loan, mức trần tiền dịch vụ đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với hợp đồng làm khán hộ công gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng. Lao động làm việc tại gia đình ở Malaysia và các nước khu vực Trung Đông thì không phải đóng tiền dịch vụ. Thù lao theo hợp đồng môi giới là khoản tiền do hai bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng nhưng không vượt quá mức trần. Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1/2 mức trần tiền dịch vụ quy định. Dự thảo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng quy định mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới tại một số thị trường, ngành nghề. Đối với mọi ngành nghề tại thị trường Nhật Bản và Thái Lan; thực tập viên trên tàu cá xa bờ tại Hàn Quốc; lao động làm việc tại gia đình ở Malaysia, Brunei, các nước khu vực Trung Đông không thu thù lao theo hợp đồng môi giới.
Tại thị trường Đài Loan, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với khán hộ công gia đình, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là nửa tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu hàng thì không thu thù lao theo hợp đồng môi giới. Tại Macau (Trung Quốc), các nước khu vực châu Âu, Úc, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới của mọi ngành nghề là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.
Giảm thiểu chi phí cho người lao động
Trong một bài phát biểu được đăng tải trên trang chủ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ông Nilim Baruah, chuyên gia về di cư lao động của ILO tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết những quy định liên quan đến chi phí dịch vụ, phí môi giới nhằm giảm thiểu những chi phí mà NLĐ có thể phải trả cho thấy Luật Sửa đổi lần này đã mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho NLĐ, hướng đến bảo vệ trọn vẹn quyền và lợi ích của NLĐ. Khi NLĐ lâm vào cảnh nợ nần do chi phí di cư quá cao, có thể họ sẽ không nghỉ việc làm trong trường hợp bị lạm dụng, bóc lột hoặc lao động cưỡng bức. Việc loại bỏ phí môi giới khỏi các chi phí được phép thu từ NLĐ di cư sẽ góp phần giải quyết rủi ro này. “Đối với các DN dịch vụ, Luật Sửa đổi giữ một số loại chi phí được phép thu từ NLĐ, cụ thể là phí dịch vụ và tiền ký quỹ nhưng đặt ra mức trần và chi tiết các khoản được phép thu sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật… Việc đặt ra mức trần cho các chi phí này sẽ cho phép NLĐ đưa ra quyết định trên cơ sở có được thông tin và giúp cung cấp thông tin về chi phí đi làm việc ở nước ngoài qua các kênh chính thống” – ông Nilim Baruah nói.
Còn theo ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm XKLĐ Mai Linh (quận Gò Vấp, TP HCM), việc quy định mức trần phí dịch vụ, phí môi giới là điều đáng lẽ nên làm từ nhiều năm trước. Những trường hợp NLĐ bị lừa đảo, bị mất một khoản tiền lớn mà chẳng được việc là do việc nhà nước thiếu kiểm soát các khoản biểu phí này. “Đây là loại hình dịch vụ liên quan đến con người, đến cuộc sống của họ trong suốt một thời gian dài. Vì thế, sự minh bạch là rất cần thiết để NLĐ được lựa chọn đúng nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Khi biết được các khoản chi phí, họ sẽ cân đối và lựa chọn thị trường hợp túi tiền. Hơn nữa, họ sẽ không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi vay để rồi phải bỏ trốn ra ngoài làm thêm hay vi phạm hợp đồng đã ký” – ông Bình nói.
Một điều nữa mà ông Bình khá tâm đắc đó là việc quy định chặt chẽ biểu phí sẽ giúp loại bỏ những DN làm ăn thiếu minh bạch, có yếu tố lừa đảo, gây tổn hại cho NLĐ và cả thị trường XKLĐ. Đây cũng là cơ hội cho những DN làm ăn chính thống, uy tín, đủ điều kiện được cấp phép có cơ hội vươn lên.